Tôi vừa mới rút ra tờ 100 nghìn để cho đứa cháu mua tập vở khen thưởng nó học tốt thì chồng tôi đã giật vội lấy rồi đổi thành tờ 20 nghìn đưa cho bé…
- Sẻ chia, tư vấn và giải đáp những câu tinh yeu gioi tinh khó nói
Chả là hôm rồi cả nhà tôi về quê ngoại để mừng lễ tốt nghiệp của các cháu trong dòng họ, cháu nào học giỏi, chăm ngoan thì sẽ được họ hàng mừng tuổi khen thưởng vì họ nhà tôi có quỹ riêng dành cho việc này. Tuy là lấy chồng xa nhưng hằng năm tôi vẫn không quên tập tục của họ nhà mình và đưa con cháu về dự lễ báo cáo kết quả học tập, năm nào tôi cũng đóng góp những khoản như vậy rất đầy đủ kể cả khi lấy phải ông chồng “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành” này.
Một năm gặp họ hàng một lần vào dịp này, có đứa cháu nghèo nhất họ nhưng học giỏi, trước khi còn con gái tôi cứ gặp nó là cho tiền mua sách vở, quần áo, mua bánh kẹo và động viên nó học giỏi cho bố mẹ mát lòng. Kể từ ngày đi lấy chồng thì ít quan tâm cháu hơn, nhưng khi gặp tôi vẫn cho cháu đồng quà tấm bánh, không nhiều nhưng là tấm lòng. Tôi đang ngồi tám chuyện với mấy bà cô trong họ, thấy con bé đi qua thì gọi nó vào cho tính cho nó mấy trăm ngàn để mua sách thì chợt nhớ tới thái độ khó chịu của chồng tôi lúc ở nhà, nên tôi chỉ dám đưa có trăm ngàn cho cháu, thế mà chồng tôi lại làm cái việc rất “hà tiện” và xấu tính khi giật phắt đồng tiền trên tay tôi và đưa cho con bé 20 nghìn. Trước mặt bao nhiêu người họ hàng bên ngoại, anh thể hiện mình là một người quá keo kiệt và “không thể chấp nhận được” (lời của bà cô nhà tôi sau khi chứng kiến hành động ấy), tôi chỉ còn biết méo mặt chẳng biết chống đỡ thế nào, vì hành động này thực ra vẫn là “bình thường” nhất so với cái tính keo kiệt bủn xỉn của chồng tôi.
Nói ra thì bảo xấu chàng hổ ai? Nhưng thực sự thì tôi cũng đã cảm thấy xấu cả chồng hổ cả cái mặt tôi rồi, nên tôi tâm sự chuyện này hi vọng anh đọc được, hiểu được cái tính xấu của mình mà thay đổi. Vì tôi thực sự là người cam chịu và dễ chấp nhận thế này mà tôi còn nổi khùng lên thì chẳng có người phụ nữ nào chấp nhận được anh đâu.
Ngày xưa, tôi luôn nghĩ anh là một người biết căn cơ, biết lo xa, có thể anh không phải là người yêu tâm lý nhưng anh sẽ là người chồng tốt và biết lo kinh tế gia đình. Từ khi yêu đến khi lấy nhau là hai năm, món quà mà anh tặng tôi là một bó hoa và một cái laptop, bó hoa cho lần đầu hẹn hò và cái máy tính là khi tôi đang chuẩn bị tốt nghiệp, làm quản trị thông tin trên mạng xã hội, một việc luôn cần đến internet và máy tính thì cái laptop của tôi lại hỏng, anh đã mua tặng tôi một cái cũ để tôi có thể tiếp tục công việc, anh bảo “anh sẽ không phung phí đống tiền để tặng em những thứ không thiết thực, tiền phải biết chi vào những khoản có ích và có khả năng sinh lời…”.
Lúc ấy, tôi thấy anh nói chí lý thật, và cũng không nghĩ là anh keo kiệt vì anh mua hẳn cho tôi cả cái laptop cơ mà, về sau này lấy nhau thì tôi mới vỡ lẽ ra cái mà anh bảo “chi tiền vào những nơi có khả năng sinh lời” ấy nó như thế nào?
Anh bảo tôi là người không biết căn cơ nên anh sẽ là người cầm kinh tế gia đình, tôi nghĩ “ừ thì mình cũng hay phóng tay chi tiêu không kiểm soát thật” nên cũng để anh giữ lương của mình, chi tiêu hàng ngày anh cũng kiêm luôn. Đi siêu thị mua đồ thì mua đúng theo danh sách, không được mua thêm mua bớt cái gì, chồng tôi còn lập một kế hoạch chi tiêu hàng tuần, hàng tháng, cụ thể đến cả tiền rửa xe, tiền uống nước mía…thì tôi bắt đầu thấy “ngại ngại” về cái sự tính toán chi li của anh. Tôi bảo “không cần phải chi tiết quá thế, mình lớn rồi có phải trẻ con đâu mà cụ thể vậy, em còn café bạn bè nữa chứ…” thì anh quắc mắt lên “em đang đùa với sức lao động của mình đấy à? Đã làm được bao nhiêu mà đòi hưởng? Mình còn cần mua nhà, rồi sinh con, đủ thứ cần chi, lương thì có hạn, vật giá leo thang, cứ tiêu như em thì có mà vác ra đi ăn xin…” nghe chồng nói mà tôi cứ tủi tủi, bởi vì lẽ ra những lời ấy phải nên là tôi nói mới phải, đằng này…
Đã thế, từ ngày lấy chồng đến khi có con, tôi mua được 4 bộ quần áo vào dịp tết, còn lại toàn đồ cũ và bạn bè mua tặng, nhiều khi nghĩ đời mình sao thảm thế? Bạn bè đến chơi váy này váy nọ, xinh đẹp rạng ngời mà tôi thì như mẹ mướp, toàn phải nói sĩ diện với bọn nó “tớ đang trông con nhỏ nên cứ kệ, khi nào nó lớn thì tân trang sau…” mà ai có thấu chuyện đến cả quần áo lót cũng phải tính vào chi phí mua sắm hàng tháng, tính rủ bạn ở lại ăn cơm trò chuyện nhưng nhìn thái độ của chồng không muốn tiếp vì sợ chi thêm tiền tôi đành kiếm cớ lựa chuyện để bạn đi về mà lòng thấy nhục không thể tả.
Có lần, không thế chịu được cái tính hà tiện ấy, tôi đã vùng lên và mắng cho chồng tôi một trận nhưng đáp lại tôi là những lời lẽ rất sắc bén của anh khiến tôi chỉ biết cứng họng “ em chỉ thấy cái xấu mà không nhìn ra cái được, vợ chồng mình đã mua được nhà, mua được ô tô vì anh biết căn cơ, chứ cứ để tiền vào tay em, có khi cả nhà ăn cám, em nhìn xem có nhà nào lương như vợ chồng mình, lấy nhau mới có 5 năm mà tự mua được nhà mua được ô tô chưa? Anh đã để cho mẹ con em đói rách chưa? Chuyện thiên hạ anh không quan tâm, mình phải lo cho mình đã…”. Tôi chẳng còn biết nói gì với anh nữa, đành rằng là anh đúng, nhưng mà…
Đến cả bố mẹ đẻ của anh thì anh cũng vẫn chi li vậy, chứ không phải nhất bên trọng nhất bên khinh gì. Anh bảo “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào, cuộc sống của mình ổn thì mọi chuyện ổn, không cần biết người khác nghĩ gì”, tôi nghe mà chán nản, đành nghĩ đến cái tốt của anh: Không rượu chè, không trò chơi, không trai gái, lương lĩnh đủ, ngủ tại nhà, không mát xa, không tiêm chích…Nhưng nghĩ đến cái vụ làm tôi muối mặt ở bên họ ngoại, lòng tôi cứ ngổn ngang chẳng biết nói sao để anh hiểu “tiết kiệm nó khác với hà tiện” nữa? Bởi nếu nói ra thì anh cũng lại “vít” mồm tôi lại bằng lý luận của anh thôi…
>>> Xem thêm: Những blog tam su lãng mạn